Tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ trong 8 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá sản phẩm tăng nên kim ngạch xuất khẩu vẫn nhích lên 6%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 8/2022 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 65% so với tháng 8/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 851 triệu USD, tăng 60,5% so với tháng 8/2021.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 11,07 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7,77 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh trong tháng 8/2022 do trong tháng 8/2021 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở mức thấp, bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh bùng phát, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ bị gián đoạn do các nhà máy đóng cửa vì giãn cách xã hội.
Tại thời điểm hiện tại, tác động bởi xung đột giữa Nga và Ukraina, khiến giá năng lượng tăng cao tác động tới chi phí vận chuyển và giá nguyên liệu đầu vào gia tăng, điều này dẫn tới giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng cũng là yếu tố làm trị giá xuất khẩu trong tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Tại họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Quang Bảo – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – cho biết, tăng trưởng của ngành gỗ trong 8 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá sản phẩm tăng nên kim ngạch xuất khẩu vẫn nhích lên 6%.
Trong đó, một điểm sáng trong ngắn hạn là xuất khẩu viên nén, dăm gỗ chớp được thời cơ khi EU, Nhật Bản và một số nước châu Á tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế cho khí đốt. Giá viên nén, dăm gỗ đã tăng 150 – 200%, bù đắp cho sự sụt giảm của xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Ông Trần Quang Bảo nhận định, nếu tháng 9/2022 và những tháng còn lại, tốc độ tăng trưởng ổn định như tháng 8, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,3 tỷ USD thì ngành lâm sản có thể phấn đấu đến mục tiêu xuất khẩu 16,4 tỷ USD trong năm 2022.
Dù vậy, 4 tháng cuối năm, ngành gỗ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh tương mại, tác động xung đột Nga – Ukraine, giá cước vận chuyển, lạm phát… “Hiện, hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn ở mức cao. Thời điểm này, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị giảm đơn hàng năm 2022 và chưa nhận được đơn mới cho năm 2023, phải cắt giảm lao động”, ông Trần Quang Bảo đánh giá.
Trước những vấn đề về đơn hàng, các doanh nghiệp gỗ đã tham gia nhiều hội chợ đồ gỗ mỹ nghệ trong nước và quốc tế để tìm kiếm các đối tác mới, mở rộng thị trường ở cả nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gỗ Việt cũng đổi mới dây chuyền, công nghệ để giảm giá thành, nâng giá bán.
Về vấn đề Hoa Kỳ điều tra phòng vệ thương mại với mặt hàng tủ bếp của Việt Nam, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết đang phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) minh bạch các thông tin, không để doanh nghiệp bán phá giá sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của gỗ Việt.
Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp đã cử chuyên gia sang làm việc với phía Hoa Kỳ để giải quyết các vướng mắc về pháp lý, đồng thời có kế hoạch phân loại doanh nghiệp, đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp.
(Theo Gỗ Việt)
NO COMMENT