READING

Xuất khẩu đồ gỗ vẫn tăng, lạc quan với mục tiêu nă...

Xuất khẩu đồ gỗ vẫn tăng, lạc quan với mục tiêu năm nay

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm hơn phân nửa tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 6,5 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang Mỹ cũng như các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản,… còn rất lớn, vấn đề khó khăn hiện nay là làm sao doanh nghiệp giữ chân người lao động sau dịch để ổn định sản xuất.

Những thông tin này được ghi nhận tại hội thảo “Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với các hiệp hội gỗ trên cả nước tổ chức vào ngày 29/10.

Sản phẩm đồ gỗ sản xuất ở Việt Nam được nhiều thị trường thế giới đón nhận. (Ảnh minh họa: Hùng Lê)

Xuất khẩu vẫn tăng mạnh

Theo lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 10,76 tỉ đô la, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Có tới 6 nhóm mặt hàng có giá trị xuất cao chiếm tới 94% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành là đồ gỗ, ghế ngồi, dăm gỗ, gỗ dán/gỗ ghép, viên nén và ván bóc.

Ngoài Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có mức tăng 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái, các thị trường lớn khác cũng có mức tăng trưởng cao gồm Trung Quốc đạt 1,13 tỉ đô la (tăng 23,4%), Nhật Bản đạt 1,01 tỉ đô la (tăng 11,7%). Các thị trường khác như EU, Hàn Quốc, Anh, Canada,… vẫn tăng nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Việt Nam với thứ tự tăng 22,3%, 10,7%, 23,9% và 21,3%.

Có thể nói trong bối cảnh dịch bệnh do Covid-19 kéo dài và bị đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như khâu sản xuất ở một số địa phương bị đình trệ nhưng kết quả xuất khẩu tăng trưởng của ngành như trên được đánh giá là một bước phát triển ngoạn mục.

Phục hồi sản xuất nhanh

Dù trong tháng 9 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành bị sụt giảm nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành đang dần ổn định trở lại trong tháng 10 này.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), cho rằng với đà phục hồi hiện tại, mục tiêu xuất khẩu gỗ cả năm đạt 14,5 tỉ đô la là khá khả quan.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), do nhu cầu nhập khẩu cao từ thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc,… hiện hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đã phục hồi sản xuất.

Các tín hiệu hiện tại cũng cho thấy tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ nhanh hơn dự đoán trong 2-3 tháng trước đó. Khảo sát nhanh trong tháng 10/2021 của Viforest cho thấy 67% doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tham gia khảo sát hiện đã hoạt động trên 70% công suất.

Kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ vẫn tăng trưởng mạnh, nhất là thị trường Mỹ có mức tăng hơn 40% trong 9 tháng qua. (Ảnh minh họa: TL)

Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường này, nhất là dịp cuối năm. Do đó, cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ rất khả quan nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Khó khăn lớn hiện nay mà các doanh nghiệp phải đối mặt là ở khía canh y tế (chi phí xét nghiệm; môi trường lưu trú của người lao động và tiếp cận vắc xin); người lao động cũng như lưu thông hàng hoá.

Ở góc độ nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp mong muốn ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn; đặc biệt là thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa nhằm tránh tình trạng đứt gãy trong khâu vận chuyển cả về đầu vào lẫn đầu ra sản phẩm.

Và lo thiếu lao động!

Điều các doanh nghiệp đang lo lắng là thiếu hụt lao động có tay nghề bởi một lượng lớn người lao động đã về quê sau khi các tỉnh phía Nam bùng phát dịch Covid-19 và thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Qua khảo sát, số lao động của các doanh nghiệp ngành gỗ trước và sau giãn cách xã hội đã giảm 18% và có đến 43% doanh nghiệp được hỏi gặp khó trong vấn đề nguồn lao động.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai, cho rằng làn sóng người lao động hồi hương thời gian qua cho thấy có những bất cập trong chính sách an sinh cho người lao động ở những trung tâm kinh tế lớn. Không hẳn người lao động sợ dịch mà về quê, ở đây có bất cập về chính sách an sinh xã hội. “Có những người làm việc 10 năm ở thành phố, các khu công nghiệp vẫn không có nhà, phải ở nhà thuê”, ông Quân nói.

Từ thực trạng đó, ông Quân cho rằng, trong quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, bên cạnh diện tích của các nhà máy, các địa phương, doanh nghiệp cần chú ý đến việc xây nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp để người lao động có thể an cư.

Tương tự, theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, phần lớn các doanh nghiệp ngành gỗ trong tỉnh đã quay lại sản xuất với giải pháp “3 xanh” tuy nhiên các doanh nghiệp đang gặp khó trong việc giữ chân người lao động, số lượng lao động biến động lớn.

Để tháo gỡ khó khăn, hầu hết doanh nghiệp kiến nghị chính quyền các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lao động.

Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là tiền đề để không khơi thông cho quá trình hoạt động sản xuất. Các doanh nghiệp ngành gỗ cũng đã có những kế hoạch chiến lược để phục hồi sản xuất rất cụ thể, trong đó có lộ trình cho giai đoạn 3 tháng, cho giai đoạn 6 tháng và cho cả giai đoạn 12 tháng.

Hùng Lê (KTSG Online)


RELATED POST

Your email address will not be published. Required fields are marked *

By using this form you agree with the storage and handling of your data by this website.