READING

Hội thảo về sử dụng gỗ bền vững và hợp pháp trong ...

Hội thảo về sử dụng gỗ bền vững và hợp pháp trong các công trình kiến trúc

Sáng 14/1, Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) phối hợp với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức Hội thảo về sử dụng gỗ bền vững và hợp pháp trong các công trình kiến trúc.

Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về yêu cầu sử dụng gỗ và các sản phẩm từ gỗ hợp pháp, đồng thời khuyến khích các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà quản lý xây dựng và nhà thiết kế nội thất trẻ sử dụng gỗ một cách bền vững trong thiết kế, xây dựng và nội thất.

Tại Hội thảo, những kiến thức về lợi ích của vật liệu gỗ, thế nào là gỗ hợp pháp và gỗ bền vững, xu hướng sử dụng trong ngành thiết kế, nội thất và xây dựng, tiềm năngthiết kế và xây dựng trong ngành gỗ tại Việt Nam, kinh nghiệm thực tiễn về sử dụng gỗ trong thiết kế kiến trúc và nội thất đã được các chuyên gia hàng đầu từ các Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản, các kiến trúc sư, các doanh nghiệp gỗ chia sẻ cho sinh viên và giảng viên các khoa xây dựng, kiến trúc, và nội thất và mỹ thuật công nghiệp.

PGS.TS.KTS Lê Quân – Hiệu trưởng trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội cho biết: Là cơ sở đào tạo các kiến trúc sư và các nhà quản lý xây dựng tương lai, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các nội dung liên quan đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trong chương trình đào tạo. Chương trình hôm nay, ngoài việc cung cấp kiến thức cho sinh viên về sử dụng bền vững và hợp pháp trong thiết kế, còn giới thiệu các giải pháp xây dựng một cách thông minh hơn, tối ưu hoá nguyên vật liệu, và vận dụng sáng tạo thiết kế kết hợp với công nghệ và kĩ thuật số.

Nếu sắt thép lên ngôi ở thế kỷ 19 và thế kỷ 20 là thời của bê tông cốt thép, thì vật liệu định hình thế kỷ 21 là gỗ. Giới khoa học và kiến trúc trên thế giới đang thúc đẩy một khuynh hướng mới – “thời của gỗ” với những tòa nhà chọc trời đã và đang được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ trên thế giới. Vì vậy, sử dụng vật liệu gỗ trong kiến trúc, xây dựng và thiết kế nội thất là một xu hướng tất yếu của thế kỷ 21. Dân số Việt Nam và thế giới ngày một tăng lên, kéo theo nhu cầu nhà ở, cơ sở hạ tầng cũng ngày càng tăng. Nếu tất cả nhà đô thị đều xây bằng thép và bê tông, quá trình biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh hơn. Chính vì thế, thế giới cần một giải pháp thay thế bền vững hơn. Và gỗ là vật liệu duy nhất đủ nhiều và có thể tái sinh được để đáp ứng nhu cầu này. Và vật liệu gỗ cần được tái sử dụng, nếu sử dụng gỗ trong các công trình thì cần đảm bảo chắc chắn gỗ không bị vứt bỏ khi công trình không sử dụng nữa.

Cũng trong sáng nay, phần tọa đàm thảo luận xoay quay các nội dung sau: Xu hướng sử dụng gỗ trên thế giới và ở Việt Nam; Thế nào là gỗ hợp pháp, gỗ bền vững; Cơ hội cho sinh viên thiết kế, xây dựng, nội thất; Sử dụng gỗ, vật liệu tái chế, phế liệu trong thiết kế; Yêu cầu đối với các nhà thiết kế, kiến trúc sư ngày nay (Những kiến thức, kỹ năng cần thiết).

Theo bà Lena Pripp-Kovac – Giám đốc Phát triển bền vững, Tập đoàn Inter IKEA: Các nguyên liệu có thể tái tạo và tái chế là những điều kiện tiên quyết cho một xã hội tuần hoàn. Trong thế giới với nguồn tài nguyên hạn chế, chúng tôi muốn rời bỏ mô hình một chiều “khai thác, sản xuất, bỏ đi” sang một hệ thống tuần hoàn nơi không có gì bị vứt đi và các sản phẩm cũ trở thành các nguồn nguyên liệu mới. Tham vọng của chúng tôi là truyền cảm hứng và tạo điều kiện cho khách hàng có cuộc sống tốt đẹp hơn mỗi ngày, trong phạm vi giới hạn của hành tinh này, vì thế những nguyên liệu mà chúng tôi sử dụng là chìa khóa để đạt được tham vọng đó. Hiện nay, 60% các nguyên liệu chúng tôi sử dụng có thể tái tạo được và 10% được tái chế. Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2030 chúng tôi sử dụng 100% nguyên liệu có thể tái tạo và tái chế.

Khi nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ tăng trong cuộc sống hằng ngày, điều quan trọng là người tiêu dùng cần đảm bảo gỗ được sử dụng là gỗ hợp pháp, và được khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững để giảm áp lực lên môi trường và bảo vệ diện tích rừng tự nhiên còn sót lại.

Về phía bà Tô Kim Liên – Giám đốc CED nhận định: Nếu nhu cầu từ gỗ và sản phẩm gỗ tăng sẽ buộc chúng ta phải trồng nhiều rừng hơn để đáp ứng và tận dụng mọi nơi để trồng cây. Những yếu tố cần lưu ý khi sử dụng vật liệu gỗ, để đảm bảo việc sử dụng gỗ không ảnh hưởng đến môi trường và sinh thái, gỗ sử dụng phải được khai thác từ rừng một cách hợp pháp và từ các khu rừng được quản lý bền vững.

Nạn khai thác gỗ bất hợp pháp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất rừng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nhằm ngăn chặn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, trên phương diện quốc tế, Liên minh Châu Âu (EU) và các nước phát triển (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa ra nhiều chương trình và sáng kiến nhằm tăng cường quản trị rừng, thực thi luật lâm nghiệp và thương mại gỗ nhằm hạn chế nạn khai thác gỗ trái phép để giữ lại các khu rừng nguyên sinh còn sót lại trên thế giới. Mua, bán và sử dụng gỗ, sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững, chính là góp sức bảo vệ rừng.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES): Gỗ là loại vật liệu tự nhiên thân thiện nhất với môi trường, có khả năng tái tạo và cho phép các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo. Ông Hoài cũng khuyến khích sinh viên các trường đại học kiến trúc và xây dựng chuyên tâm nghiên cứu và thiết kế nhiều mẫu mã sản phẩm gỗ mang phong cách Việt, trí tuệ Việt và thương hiệu Việt để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ Việt trên các thị trường của thế giới.

Ngày 19/10/2018, Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU và cam kết tất cả gỗ khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu tại Việt Nam đều phải đảm bảo tính hợp pháp.

Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện các chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng của các sản phẩm. Như vậy, trong tương lai gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp sẽ không được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Dự án Đảm bảo tính hợp pháp của gỗ tại thị trường nội địa và thúc đẩy việc sử dụng gỗ hợp pháp, bền vững tại Việt Nam do tổ chức Lương Nông của Liên hợp Quốc (FAO) tài trợ. Nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng Việt Nam về sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững, CED hợp tác với một số trường đại học và trường phổ thông với mục tiêu: Nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp, và các nhà quản lý về yêu cầu sử dụng gỗ và các sản phẩm từ gỗ hợp pháp, góp phần ngăn chặn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp; Khuyến khích các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà quản lý xây dựng và nhà thiết kế nội thất trẻ tham gia tích cực để đưa ra các giải pháp sử dụng gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững từ rừng trồng, giảm nhu cầu tiêu dùng gỗ từ rừng tự nhiên.

Để đạt được mục tiêu trên, CED phối hợp với các đối tác tổ chức một chuỗi hội thảo cho sinh viên, giảng viên, các nhà thiết kế trẻ nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững trong thiết kế kiến trúc, nội thất và xây dựng. Các cuộc hội thảo sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và Phú Yên, cho hơn 1000 sinh viên từ 5 trường đại học đào tạo các chuyên ngành: Kiến trúc, Xây dựng, Kiến trúc nội thất trên các địa bàn này.

Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm thúc đẩy việc sử dụng, mua bán gỗ hợp pháp ở khu vực tư nhân (các doanh nghiệp Việt Nam).

Diệu Anh / Báo Xây dựng


Your email address will not be published. Required fields are marked *

By using this form you agree with the storage and handling of your data by this website.