Phương pháp dọn dẹp, sắp xếp KonMari là một phương pháp rất phổ biến trên thế giới và đang được nhiều người áp dụng trong quy trình dọn dẹp nhà cửa hàng ngày. Người đã “phát minh” ra phương pháp này là một chuyên gia trong việc tổ chức và sắp xếp, Marie Kondo.
Marie Kondo đã bắt đầu sự nghiệp với tư cách một nhân viên tư vấn dọn dẹp, sắp xếp từ khi 19 tuổi và đã giúp đỡ rất nhiều người thay đổi cuộc sống của họ chỉ bằng việc sắp xếp lại không gian sống. Marie còn cho ra mắt những cuốn sách về chủ đề dọn dẹp, sắp xếp, tổ chức cuộc sống và trở thành một tác giả best-seller tại 40 quốc gia.
Phương pháp KonMari xoay quanh một câu hỏi duy nhất: Đồ vật này, vật dụng này có tạo ra niềm vui hay không? Việc tập trung vào những món đồ đem lại niềm vui sẽ giúp cuộc sống của bạn trở nên dễ thở hơn, tích cực hơn. Những hướng dẫn, tư vấn của Marie đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người và thậm chí, tạo thành một trào lưu trên Youtube với những video “Dọn dẹp theo phong cách KonMari”. Những người đã thử phương pháp sắp xếp này đều chia sẻ với những người xung quanh về sự hiệu quả và tác động tích cực của nó đem lại.
Phương pháp KonMari cơ bản gồm 5 bước dưới đây:
Contents
Biến việc dọn dẹp thành thói quen của bạn
Dọn dẹp luôn là một công việc mệt mỏi và khó khăn với rất nhiều người, nhất là trong một cuộc sống bận rộn như bây giờ. Tuy nhiên, để làm việc hiệu quả, để duy trì trạng thái tinh thần tích cực và để tận hưởng cuộc sống hơn, hãy dọn dẹp không gian sống của bạn. Giữ cho ngôi nhà, phòng ốc, góc làm việc và mọi khu vực xung quanh được sạch sẽ, gọn gàng sẽ không chỉ đem lại một môi trường sống không ô nhiễm mà còn tạo ra năng lượng tích cực. Sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi, khi trở về nhà và bước vào ngôi nhà ấm cúng, ngăn nắp, bạn đã tự động cảm thấy thư giãn rồi.
Nghĩ đến cuộc sống lý tưởng bạn mong muốn
Trước khi bắt đầu quá trình dọn dẹp, Marie khuyên bạn nên có một bức tranh tổng thể về điều gì sẽ giúp bạn tận hưởng không gian một cách tốt hơn. Bạn cần nghĩ đến những điều mà bạn muốn làm và càng chi tiết càng tốt. Ví dụ như, khi trở về nhà sau tan làm, bạn muốn được nghỉ ngơi trên sofa, xem tivi và uống trà hay bạn có sở thích tập yoga và đó là điều khiến bạn thấy thoải mái. Khi nghĩ về từng việc trong cuộc sống lý tưởng của bản thân như vậy, tự khắc việc dọn dẹp sẽ trở nên dễ dàng hơn vìbạn sẽ biết mình cần phải thay đổi gì, bỏ cái gì, thêm cái gì để đạt được cuộc sống lý tưởng ấy.
Dọn dẹp theo từng loại đồ thay vì theo khu vực
Đây có thể coi là nguyên tắc cơ bản trong phương pháp KonMari. Thông thường khi dọn dẹp nhà, chúng ta thường dọn dẹp theo từng phòng một. Còn đối với phương pháp này, hãy phân đồ dùng trong nhà ra thành từng loại và dọn dẹp theo thứ tự: quần áo, sách vở, giấy tờ tài liệu, những vật dụng nhỏ, những vật kỷ niệm,… Tuy nhiên, thứ tự dọn dẹp và sắp xếp vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào những vật dụng trong nhà của bạn. Nếu bạn sở hữu quá nhiều một loại đồ nào đó mà không phải quần áo, bạn có thể ưu tiên dọn dẹp nó đầu tiên, miễn là bạn dọn dẹp theo từng bước cẩn thận.
Bỏ đi những thứ không cần thiết
Chúng ta rất ít khi để ý về số lượng vật dụng trong nhà của mình; có khi tủ quần áo đã chật cứng, tủ bếp chứa đủ các loại bát đĩa không dùng nhưng vẫn được giữ lại trong nhà. Điều này vừa chiếm diện tích lưu trữ trong căn nhà của bạn vừa khiến việc dọn dẹp trở thành gánh nặng. Vậy nên, một điều mà Marie đặc biệt khuyên bạn chính là học cách bỏ bớt đồ đi. Những đồ đã quá cũ, những đồ bạn không dùng nữa, những món đồ bạn đã có quá nhiều, những đồ mà bạn luôn nghĩ rằng “rồi sẽ có dịp để dùng” đều cần được giải thoát khỏi không gian sống của bạn. Bạn có thể đem bán hoặc đi ủng hộ làm từ thiện đối với những đồ vẫn còn dùng được.
Giữ lại những “niềm vui”
Trong quá trình dọn dẹp, bạn thường rất phân vân nên giữ và bỏ món đồ nào. Một câu trả lời mà bạn sẽ tìm thấy trong phương pháp KonMari, đó là hãy giữ lại những món đồ tạo ra niềm vui, mà khi sử dụng nó bạn có thể cảm nhận vui vẻ. Giả dụ bạn có một chiếc áo rất đẹp nhưng nó không vừa vặn, phù hợp với bạn nữa, khiến bạn không thoải mái khi mặc nó thì cũng đừng luyến tiếc giữ lại. “Sparks joy” là cụm từ mà Marie đã dùng để nói về những vật dụng bạn nên giữ lại, có nghĩa là bản thân vật dụng đó phải tỏa ra năng lượng tích cực thì khi sử dụng chúng bạn mới có tinh thần thoải mái được.
Minh Anh
NO COMMENT