Có chỗ đứng vững chắc trong làng thời trang Việt với nhiều giải thưởng và những thiết kế định hình phong cách thời trang hiện đại cho người phụ nữ Việt, nhà thiết kế Lê Hà đã có một cuộc trao đổi rất thú vị với Gỗ Minh Long về câu chuyện Thời trang cũng như mối quan hệ của Thời trang và Nội thất.
Chào chị Lê Hà! Theo chị, điều gì quan trọng nhất với thời trang trong những năm tới?
– Khoảng 15 năm trước, tôi đã có quan điểm: thời trang tập trung nhiều vào công nghệ và vật liệu. Và thời điểm hiện tại, tôi chắc chắn rằng, sự phát triển của vật liệu, công nghệ, kỹ thuật cùng ý tưởng nghệ thuật với tư duy sáng tạo là những yếu tố quan trọng nhất định hình ngành công nghiệp thời trang trong tương lai.
Tại sao lại là vật liệu và công nghệ? Vật liệu là ngôn ngữ tạo nên một sản phẩm với những yếu tố về tạo hình, thẩm mỹ, phong cách và công năng của sản phẩm. Vật liệu càng đa dạng thì ngôn ngữ thể hiện càng phong phú. Trước đây, vật liệu phần lớn có nguồn gốc từ tự nhiên. Hiện tại, có nhiều vật liệu mới được tạo ra bởi nhu cầu của thị trường và xã hội. Các vật liệu thân thiện hơn với môi trường, con người cũng như đời sống nói chung.
Đôi khi nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi quá nhanh khiến cho những mẫu mã chưa thể bắt kịp với xu hướng của thời đại. Thay vì thay đổi cấu trúc thiết kế của cả một chiếc xe hay động cơ bên trong, chỉ cần thay đổi màu sắc hoặc vật liệu đã tạo ra tính mới và tính thời trang cho một sản phẩm. Bởi vậy, vật liệu chiếm vai trò vô cùng quan trọng. Vật liệu tạo ra tính hấp dẫn, tính ưu việt, sự khác biệt, đồng thời như là một lựa chọn bền vững cho sự sáng tạo và các mẫu thiết kế. Các loại vật liệu mới được cho là tương lai của thời trang. Có vật liệu mới nghiễm nhiên có xu hướng mới. Thời trang hay nội thất cũng đều như vậy.
Ngày nay, các vật liệu mới được phát triển bởi nhiều công nghệ hiện đại khác nhau. Công nghệ in 3D, công nghệ dệt kim kỹ thuật số trong thời trang giúp tạo ra một sản phẩm hoàn thiện không cần công đoạn lắp ráp, cắt may. Đây là bước tiến lớn trong thế giới thời trang và dần được áp dụng rộng rãi trong ngành may mặc nhằm giảm thời gian chế tạo, ít chất thải và sử dụng ít lao động hơn so với các loại hình sản xuất khác.
Các sản phẩm phát triển từ công nghệ và vật liệu trở thành những tác phẩm nghệ thuật và thường xuất hiện trên những sàn diễn thời trang cao cấp để phô diễn vẻ đẹp về công nghệ, tạo hình, concept nghệ thuật nhằm xây dựng hình ảnh thương hiệu. Ví dụ: NTK Iris Van Herpen- người Hà Lan là người đầu tiên áp dụng in 3D như một kỹ thuật tạo kết cấu cho hàng may mặc thành một tác phẩm nghệ thuật. Một NTK theo chủ nghĩa tương lai, có tầm nhìn của thế kỷ 21, sử dụng kỹ thuật in 3D, kết hợp với quy trình công nghệ cao và kỹ thuật thủ công truyền thống tạo ra những sản phẩm thời trang nghệ thuật khái niệm. Chính những sáng tạo này sẽ tạo ra trào lưu, xu hướng có thể phát triển và nhân rộng trong thế giới công nghệ 4.0. Bên cạnh các vật liệu áp dụng công nghệ hiện đại, còn có sự phát triển của vật liệu thông minh, vật liệu và công nghệ kỹ thuật truyền thống nhằm tạo nên bản sắc bản địa trong xu thế toàn cầu hoá.
Công nghệ còn được nhắc tới với thành công trong việc xây dựng sự tương tác giữa con người với các sản phẩm thiết kế. Trí tuệ nhân tạo AI (artificial intelligence) và công nghệ thực tế ảo VR (visual realite) đang nắm giữ chiếc chìa khóa chinh phục khách hàng. Trí tuệ nhân tạo thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu về nhu cầu khách hàng, nâng cao trải nghiệm mua sắm, thúc đẩy doanh số bán hàng, dự báo xu hướng và đưa ra các hướng dẫn liên quan đến hàng tồn kho. Công nghệ thực tế ảo thay thế cho quy trình thiết kế thông thường bằng cách cho khách hàng thử nghiệm các sản phẩm được thiết kế trên máy tính giúp giảm rủi ro và giảm chi phí vận hành quy trình sản xuất, giảm thiểu tổn hại môi trường và tăng tính trải nghiệm cho người tiêu dùng,…Trí tuệ nhân tạo trong ngành thời trang thậm chí còn có chức năng tư vấn, đo được mức độ cảm xúc của khách hàng. Công nghệ này đã xuất hiện ở những flagship store của các thương hiệu thời trang nổi tiếng.
Bên cạnh đó, công nghệ thời trang (wearable tech) sẽ phát triển mạnh mẽ giữa tính năng công nghệ và thời trang, tạo được vị thế trong thời gian tới. Ví dụ đơn giản điển hình: Apple Watch ra mắt lần đầu tiên được bán trên thị trường như một mặt hàng thời trang mà khách hàng có thể cá nhân hóa với phiên bản kết hợp với thương hiệu Hermès nổi tiếng của Pháp.
Chị đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của xúc cảm vật liệu đối với thời trang cũng như các lĩnh vực khác?
– Xúc cảm vật liệu cũng là nhân tố quan trọng và có tính bắt buộc với các nhà thiết kế. Xu hướng về tạo hình thường sẽ rất rõ nét trong thời trang nhưng để ứng dụng vật liệu nào phù hợp với tạo hình phụ thuộc vào sự lựa chọn vật liệu của các nhà thiết kế. Để lựa chọn vật liệu, nhà thiết kế phải có khả năng cảm về vật liệu và sự tưởng tượng về vật liệu. Đây là một kỹ năng của nhà thiết kế. Trải qua quá trình tích lũy kiến thức và trải nghiệm, mỗi nhà thiết kế tìm ra được phương thức riêng để tạo hình thiết kế tôn được giá trị của vật liệu. Cảm nhận vật liệu tốt sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm, tối ưu tài chính cho thương hiệu và tạo được giá trị bền vững bao gồm tính bền vững về chất lượng sản phẩm, tính bền vững về công năng, thẩm mỹ và bền vững trách nhiệm với thương hiệu và với xã hội.
Không có cảm nhận về vật liệu là yếu tố rất nguy hại trong thiết kế mỹ thuật ứng dụng. Nhà thiết kế ngoài tư duy sáng tạo, cảm xúc thẩm mỹ còn là người có tư duy logic khoa học để tránh những nhận định cảm tính bản năng.
Chị đã từng nói “thời trang không chỉ là chất liệu, là đường nét thiết kế mà còn là văn hóa”. Chị đã mang văn hóa vào những thiết kế thời trang khi về Việt Nam như thế nào?
– Khi học ở Pháp, tôi được tiếp cận và ảnh hưởng nền văn hóa thời trang phương Tây từ phong cách thời trang Pháp, văn hóa mặc của Pháp, nền nghệ thuật, lối sống và xã hội,… Tuy nhiên, những gì thực thực sự tác động đến bản thân tôi lại diễn ra vào năm tháng cuối cùng học tập ở Pháp. Vào thời điểm 2008, sàn diễn Việt Nam chỉ dùng ngôn ngữ thời trang để truyền tải, mô phỏng những yếu tố về văn hóa truyền thống tuy nhiên những sản phẩm đó chưa thể hiện được bản chất của thời trang là tính đương đại, tính ứng dụng đại chúng.
Trong bộ sưu tập, tôi đã áp dụng kiến thức về công nghệ cắt may và tư duy tạo hình của phương Tây cùng với việc tìm hiểu nhân trắc học của người Việt, cách ăn mặc của người Việt. Từ đó, tôi có sự điều chỉnh, dung hoà giữa văn hoá phương Tây và Việt Nam. Cách đây 14 năm, tôi đã chọn một hướng đi và tạo lập một phong cách riêng, khác biệt, có thể nói là sự tiên phong trong thời trang Việt. Bộ sưu tập “Sự trở về” được đánh giá cao trong giới chuyên môn và người tiêu dùng yêu thời trang. Khách hàng có thể sở hữu ngay sản phẩm sau khi sàn diễn kết thúc. Đây thực sự là một bộ sưu tập đánh dấu sự khởi đầu cho một NTK trẻ tiên phong, tạo ra một trào lưu về dòng thời trang ứng dụng cho đến ngày hôm nay.
Những thiết kế của chị có bản sắc văn hóa truyền thống trong đó hay không?
– Hiện tại các bộ sưu tập của tôi chưa khai thác nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, có thể đẩy mạnh bằng việc sử dụng chất liệu truyền thống trong một số BST có chủ đề về chất liệu chẳng hạn như lụa tơ tằm Nha Xá, lụa Hà Đông, lụa Bảo Lộc Lâm Đồng,… hoặc hướng khai thác trang trí hoa văn hoạ tiết truyền thống. Trong tương lai, tôi có kế hoạch phát triển dòng sản phẩm riêng về bản sắc văn hóa – di sản văn hóa phi vật thể. Đây cũng là xu hướng thiết kế toàn cầu không riêng gì trong ngành thời trang.
Một khái niệm được nhắc tới gần đây là Thời trang dựa trên bản sắc văn hoá truyền thống: khai thác yếu tố bản sắc bản địa, di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể. Tuy nhiên cần xem xét đến vấn đề chiếm đoạt/chiếm dụng văn hóa. Ví dụ: sử dụng hình thức trang trí hoa văn họa tiết, nghề thủ công truyền thống vào thiết kế nhưng người dân bản địa của nền văn hóa đó không được hưởng lợi và nhắc đến trong truyền thông. Không tạo ra giá trị cộng đồng thì việc khai thác yếu tố bản sắc văn hoá truyền thống sẽ trở thành chiếm đoạt văn hóa. Danh giới giữa kế thừa để sáng tạo và chiếm đoạt rất mong manh. Trong tương lai, khoảng 4 – 5 năm nữa, câu chuyện này sẽ được nhắc đến nhiều khi xu hướng thiết kế hướng đến bản sắc văn hóa truyền thống diễn ra mạnh mẽ hơn.
Thời trang là tôn vinh vẻ đẹp của người sử dụng nó. Vậy những thiết kế của chị đã làm những gì để thần thái của người phụ nữ được thể hiện một cách hài hòa và tối đa qua trang phục?
– Tôi nghiên cứu nhân trắc học nhưng tôi không đi sâu vào phô diễn vào đường cong cơ thể mà tập trung vào tôn vinh phong cách cá nhân. Tìm hiểu nhân trắc học để hiểu về cơ thể của người Việt; nghiên cứu tính cách để hiểu sở thích, văn hóa của người Việt. Về bản chất, vẻ đẹp của người phụ nữ không nằm ở việc tôn đường cong cơ thể mà nằm ở phong cách, thần thái để giúp khách hàng khẳng định phong cách cá nhân và tạo được sắc thái, bản sắc cá nhân riêng. Vẻ đẹp của người phụ nữ thể hiện bởi phong cách thẩm mỹ bên ngoài thông qua trang phục. Qua ngôn ngữ thời trang, có thể nhìn thấy được giá trị, đạo đức và tâm hồn của họ. Thời trang là giao tiếp phi ngôn ngữ, thể hiện văn hóa cá nhân. Quần áo chúng ta mặc thể hiện chúng ta là ai và quan trọng hơn là chúng ta muốn trở thành ai.
Tôi muốn xây dựng phong cách của người phụ nữ hiện đại, năng động và thông minh. Họ là những người phụ nữ tri thức, chủ động trong cuộc sống, khẳng định yếu tố nữ quyền và nâng cao vai trò của người phụ nữ.
Vậy điều gì giúp cho những xu hướng thời trang có sức sống lâu bền?
– Một sản phẩm thời trang, nếu không được đón nhận rộng rãi sẽ trở thành mốt và kéo dài trong khoảng 3 – 6 tháng, lâu nhất là 1 năm. Nếu được chấp nhận và mang tính thương mại cao, sản phẩm có thể tạo ra xu hướng với sức sống từ 1 – 3 năm. Có những mẫu trang phục đã vượt ra ngoài tầm xu hướng, đó là những thiết kế sản phẩm kinh điển, mang lại giá trị bền vững cho các thương hiệu và “không bao giờ lỗi mốt cho người sử dụng”.
Nhà thiết kế phải có cảm nhận và kỹ năng nhận biết, đánh giá, dự báo xu hướng. Sự nhạy cảm và gu (gout) thời trang là những tố chất không thể thiếu của một nhà thiết kế.
Quan điểm của chị về sự tiện dụng và tính thẩm mỹ trong thời trang?
Một trong những nguyên tắc sáng tạo sản phẩm của tôi là “3 dễ 1 thẩm”:
- Dễ sử dụng: Mặc vào thời điểm, hoàn cảnh, thời tiết khí hậu nào cũng phù hợp. Như vậy chất liệu sản phẩm phải đảm bảo tính mùa, tính mốt, tính bền vững.
- Dễ bảo quản: Đơn giản trong giặt giũ, bảo quản, phù hợp với khí hậu,…
- Dễ phối hợp: dễ dàng kết hợp với các trang phục khác.
- Tính thẩm mỹ: Tiện dụng nhưng phải có thẩm mỹ – đẹp về kiểu dáng, vật liệu, màu sắc.
Theo chị tính thời trang trong trang phục và trong nội thất có mối liên hệ với nhau như thế nào?
– Thời trang là trang phục tại thời điểm hiện tại, được số đông xã hội chấp nhận tại thời điểm đó.
Khi một người xây dựng được phong cách thời trang thì họ đã xây dựng được lối sống, văn hóa sống và giá trị của riêng họ. Các mối quan hệ xã hội, các địa điểm giải trí, vui chơi,… mà họ lui tới thậm chí không gian sống của họ cũng thể hiện phong cách sống (lifestyle). Và nội thất không nằm ngoài lối sống, văn hóa sống, phong cách sống của họ. Ví dụ một người có phong cách thời trang theo hướng tự nhiên thì họ sẽ hướng đến ăn đồ ăn healthy, các hoạt động có trách nhiệm với môi trường, hướng đến không gian gần gũi thiên nhiên, nội thất mang màu sắc của tự nhiên,… Phong cách nội thất sẽ đồng bộ với lối sống của mỗi người. Người có phong cách thời trang thì chắc chắn có phong cách nội thất, có tính đồng điệu, trừ khi họ chưa xác định được phong cách thời trang của họ.
Có nhiều yếu tố tác động đến phong cách, từ chủ quan đến khách quan. Đây thực sự là quá trình tích lũy và ảnh hưởng bởi môi trường sống, công việc và trải nghiệm của mỗi người. Ngoài ra, nguồn ý tưởng từ kiến trúc, nội thất được áp dụng rất nhiều trong thời trang, từ màu sắc đến kiểu dáng và bề mặt chất liệu.
Đứng trên phương diện thiết kế, theo chị điều gì quan trọng nhất đối với sản phẩm thời trang và nội thất?
– Theo tôi vẫn là 2 yếu tố vật liệu và công nghệ. Kiểu dáng thì liên quan đến xu hướng. Ví dụ với áo vest/blazer thì là kiểu dáng cổ điển nhưng vật liệu và công nghệ sản xuất sẽ tạo nên sự khác biệt.
Những kinh nghiệm về thời trang đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn, ứng dụng nội thất của chị như thế nào?
– Đây là 2 ngành nghề liên quan và hỗ trợ nhau. Về bản chất thuộc ngành Mỹ thuật ứng dụng nên nền tảng kiến thức cơ bản là giống nhau. Trang phục xử lý về sự vận động của cơ thể người trong một không gian hẹp nhưng đảm bảo yếu tố về chuyển động và công năng. Nội thất là không gian rộng hơn, con người ở trong đó và phải đảm bảo yếu tố tĩnh và công năng,…Thiết kế kiến trúc, nội thất đáp ứng nhu cầu của chúng ta là được sống trong môi trường đẹp và tiện nghi. Một ngành nghề đa diện, xem xét mọi thứ từ giới hạn kiến trúc, các vấn đề thực tế như mối quan tâm về sức khỏe và an toàn, cũng như các mục tiêu thẩm mỹ thuần túy tạo ra một môi trường sống dễ chịu.
Với vai trò nhà thiết kế, góc nhìn nhà giáo dục và người sử dụng nội thất, mối quan tâm đầu tiên của tôi là kiểu dáng (bắt mắt, sáng tạo, độc đáo, thẩm mỹ, khác biệt) và vật liệu (bên cạnh công năng thì còn những yếu tố làm tăng giá trị sản phẩm). Sau đó là công năng, rồi đến giá và cuối cùng là màu sắc.
Tôi không biết trong nội thất như nào nhưng đối với thời trang thì phụ nữ sẽ nhìn vào kiểu dáng trước rồi đến chất liệu, màu sắc và giá. Đàn ông đa phần sẽ nhìn vào màu sắc trước tiên vì bản thân họ đã có những trang phục cơ bản và thường sẽ có nhu cầu mua bổ sung màu.
Theo chị, xu hướng thiết kế bền vững có trở thành trọng tâm thiết kế trong thời gian tới?
– Chắc chắn là có vì thời trang là ngành có tính thay đổi liên tục dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải và khí thải cực lớn. 10% lượng khí thải CO2 toàn cầu, 20% lượng nước thải công nghiệp của thế giới, 24% thuốc diệt côn trùng và 11% thuốc trừ sâu được sử dụng. Các nhà thiết kế đã trình diễn các dòng sản phẩm mùa xuân – hè và mùa thu – đông (bao gồm thời trang haute couture – thời trang cao cấp và net a porter – thời trang may sẵn), cũng như các BST trước mùa thu và mùa xuân (pre- summer, pre- fall). Thực tế gần đây, trước sự biến đổi về khí hậu, các nhà thiết kế rời bỏ các bộ sưu tập theo mùa để ưu tiên thiết kế các sản phẩm vượt thời gian, có thể phục vụ người tiêu dùng trong nhiều năm.
Trên thế giới, thiết kế đã phát triển bền vững từ những năm 2000. Những năm gần đây, xu thế thiết kế bền vững đã phát triển mạnh mẽ. Có nhiều hình thức thời trang hướng đến sự bền vững như:
- Thời trang sinh thái: Vật liệu sinh thái có nguồn gốc tự nhiên, sản phẩm thân thiện với môi trường; quy trình chế tạo sản phẩm hoàn toàn sinh thái tự nhiên, không sinh ra chất thải. Tuy nhiên chi phí sản xuất sẽ rất cao.
- Thời trang đạo đức: Hoạt động đạo đức và công bằng liên quan đến phúc lợi của những người làm việc trong lĩnh vực thời trang: lao động trẻ em, quyền giới tính, điều kiện môi trường làm việc…
- Thời trang sử dụng yếu tố di sản, văn hóa phi vật thể và vật thể để đưa vào thời trang bền vững
- Thời trang từ công nghệ sinh học: Dùng công nghệ sinh học như tơ nhện hay các chất liệu như chất liệu da thuần chay được nuôi cấy từ nấm,…
- Vật liệu tái chế: Sản phẩm đã sản xuất ra được thu hồi lại để tái chế. Tái chế trên chất liệu có sẵn hoặc tái chế rác thải nhựa (giày từ rác thải nhựa biển) hoặc tái chế theo mô hình nhỏ (chỉnh lại thiết kế để sử dụng).
Chuyên sâu hơn thì có thiết kế bền vững: Những sản phẩm có thể tháo rời, đa chức năng hoặc sử dụng triệt để nguyên vật liệu (zero waste).
Cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn của Gỗ Minh Long!
Gỗ Minh Long
NO COMMENT