Ngày 5/3, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) đã tổ chức Tọa đàm chuyên đề: “Mô hình O2O – Nền tảng kinh doanh từ offline đến online” giới thiệu mô hình doanh số trực tuyến (online) kết hợp đan xen với cách thức bán hàng truyền thống (offline) cũng như tiếp cận chiến lược chuyển đổi số toàn diện cho ngành gỗ, mục đích giúp doanh nghiệp (DN) tăng khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, tối ưu hóa cơ hội bán hàng.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các DN, tổ chức lớn như FPT, Silversea Media Group (Singapore), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã giúp các DN tìm ra điểm khởi động thông minh trên hành trình chuyển đổi số, cập nhật xu hướng phát triển của thương mại điện tử cũng như mô hình phối hợp các nền tảng thương mại “online” với hệ thống “offline” hiện hữu tạo nên động lực phát triển mới cho DN.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, đây là nỗ lực của HAWA nhằm đem đến cho DN trong ngành giải pháp mới tăng trưởng thương mại, đồng thời tìm định hướng phát triển mô hình kinh doanh trong tương lai, gia tăng giá trị đồ gỗ và đảm bảo mục tiêu 20 tỷ USD của Chính phủ đề ra đến năm 2025.
Khách hàng ngày càng thay đổi thói quen tiêu dùng, người trẻ tuổi ưa chuộng công nghệ, và tìm hiểu thông tin sản phẩm trên Internet trước khi quyết định mua tại cửa hàng hay trực tuyến.
Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu nội thất nhưng chủ yếu là hàng gia công, nên lợi nhuận không nhiều và không có thương hiệu riêng. Các hình thức tiếp thị offline: cửa hàng, showroom, hội chợ, triển lãm sẽ không mất đi mà bổ sung và kết hợp hiệu quả đan xen với các phương thức online.
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng mang đến một số cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi “bế quan tỏa cảng” bởi dịch bệnh, các DN cần đẩy mạnh bán hàng đa kênh, kết hợp giữa các cửa hàng nội thất truyền thống và trực tuyến, đồng thời ứng dụng công nghệ trong tất cả khâu từ thiết kế, sản xuất đến thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp cận trực tiếp với khách hàng, xây dựng thương hiệu riêng và tận dụng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Các chuyên gia cho rằng về ngắn hạn, các doanh nghiệp cần đảm bảo thể chất cho đội ngũ lao động trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, từ đó mới có thể duy trì hoạt động ổn định. Đồng thời, chi tiêu không cần thiết sẽ phải cắt giảm, điển hình là các khoản đầu tư lớn, thậm chí cả chi phí marketing. Điều quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ của Việt Nam biết tận dụng thời cơ, cải tiến ở tất cả khâu vận hành và đẩy mạnh chuyển đổi không gian số.
Tại hội thảo, đạo diện các hiệp hội HAWA, BIFA (Bình Dương), DOWA (Đồng Nai) cũng ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các đơn vị để phát triển thương mại điện tử ngành gỗ và chuyển đổi số.
(Ảnh: HAWA)
NO COMMENT