READING

Billy Baldwin với cách tiếp cận về màu sắc và hình...

Billy Baldwin với cách tiếp cận về màu sắc và hình thức định hình lại thẩm mỹ Mỹ

William Baldwin, Jr. (1903–1983), được biết đến với tên Billy Baldwin và biệt danh Billy B, là một nhà trang trí nội thất ở New York, được đặc trưng trong một cáo phó là “trưởng khoa trang trí nội thất” (ông ghê tởm thuật ngữ nhà thiết kế nội thất), và đã có lúc theo đuổi cả phong cách cổ điển và hiện đại. Mặc dù đôi khi vẻ hào nhoáng, xa hoa đánh động tới mỹ cảm của ông nhưng nhìn chung Billy không ưa những thứ hoa mĩ, rườm rà kiểu baroque hay rococo mà nghiêng về vẻ gọn gàng, tinh tế mà vẫn cứng rắn. Trong số những người ảnh hưởng ban đầu của ông có Frances Elkins, có lẽ là người trang trí tinh vi nhất trong thời đại của bà, và Jean-Michel Frank, người mà ông mô tả là “thiên tài cuối cùng của đồ nội thất Pháp“.

Billy Baldwin trong căn hộ tự thiết kế của mình, khoảng năm 1974. Photo: Alfred Eisenstaedt /The LIFE Picture Collection/Getty Images

Những tác phẩm của Baldwin thường tạo cảm giác rất tinh tế, chỉn chu và thực sự gọn gàng. Mọi chi tiết điều được chăm chút tỉ mỉ, mang nội lực mạnh mẽ nhưng không quá nổi bật. Tất cả tạo nên một không gian tổng hòa đầy sức sống – một phong cách rất “nước Mỹ”. “Chúng ta có thể thừa nhận rằng về mỹ cảm chúng ta nợ châu Âu, nhưng chúng ta cũng có mỹ cảm”, ông tuyên bố. Ông đã lao động và phấn đấu để thấy ngày tên mình được gắn liền với hình ảnh thiết kế Mỹ mẫu mực.

Đối với Baldwin, người rất hâm mộ ghế sofa hay những loại ghế ngồi thụt sâu, sự sang trọng cuối cùng là sự thoải mái. “Điều đầu tiên và quan trọng nhất, đồ nội thất phải mang lại sự thoải mái,” ông nhấn mạnh. “Đó là mục đích ban đầu của nó, và sau tất cả.” Ông ấy thường đặt chúng nằm thẳng xuống sàn và tin rằng, để lộ quá nhiều chân ghế sẽ khiến một căn phòng trông rất “bồn chồn”.

Bộ salon xanh mà Billy Baldwin đã thiết kế dành tặng cho căn biệt thự huyền thoại La Fiorentina tại Pháp vào những năm 1970s. Photo: Richard Champion

Baldwin vô địch trong việc pha trộn nhiều loại văn hóa dân tộc khác nhau, cả cũ cả mới. Ông kết hợp chúng theo một phong cách mang hơi thở đương đại chứ không chỉ đơn thuần là phục dựng lại lịch sử. Không giống hầu hết các nhà trang trí nội thất khác, điều thôi thúc Baldwin đầu tiên luôn là việc tận dụng lại những món đồ sẵn có tại không gian chứ không thay đổi hoàn toàn. Không bao giờ có thể biểu đạt được không khí và cái hồn của căn phòng nếu thiếu đi những vật dụng mang cái “tôi” to lớn của gia chủ. Từng món từng món đều lần lượt tạo cảm hứng để Baldwin sáng tác.

Baldwin hiếm khi mắc sai lầm với những yếu tố như quy mô, tỷ lệ hay cách bài trí các vật dụng, nhưng ông luôn chỉ tự nhận mình là người làm về màu sắc. Ông luôn thẳng thắn và kiên quyết trong mỗi lựa chọn. Có một lần khi đang thiết kế một căn hộ ở Palm Beach, ông đã ngắt một chiếc lá cây màu xanh đậm đưa cho thợ sơn và nói: “Đây là thứ mà tôi muốn các bức tường trông giống thế, kể cả vết nhổ“. Một trong những màu sắc yêu thích của Baldwin là “không có màu nào cả.”

Baldwin đã mang phong cách trang trí giữa những năm 1960s của mình vào cái mà ông gọi là “Phòng Tall” trong căn hộ của Woodson Taulbee ở Manhattan lấy cảm hứng từ tranh Matisse; vải được tùy chỉnh thiết kế dựa theo tác phẩm nghệ thuật. Ghế dép ghế sofa thấp đặc trưng của ông ôm sát vào tường, giữ cho căn phòng không bị xáo trộn. Photo: Billy Cunningham
Về chất liệu, Billy Baldwin rất ưa chuộng chất liệu cotton. Trong các thiết kế của ông cũng hầu như không có hoa văn. Chính sự phối hợp của tổng thể bố cục, tỷ lệ, màu sắc và chất liệu sẽ toát lên tinh thần của toàn bộ không gian. Photo: Haanel Cassidy/Vogue
Có thể sử dụng bất kỳ màu gì vào bất cứ lúc nào, đặc biệt nếu đó là sở thích của người phải sống với nó,” Baldwin nói – người mà vào giữa những năm 1970s đã chọn màu xanh đậm cho phòng ngủ của Bonnie McIlhenny Wintersteen trong căn hộ của bà ở Pennsylvania. “Màu sắc không nên tuân theo các quy tắc của thời trang.” Photo: Conde Nast Archive

Thành tựu vượt thời gian của Baldwin (ông coi đó là tràng hoa trong sự nghiệp của mình) vẫn là căn hộ Waldorf Towers của Cole Porter, với phòng thư viện có tủ sách bằng đồng hình ống từ sàn lên đến trần lấy cảm hứng từ Directoire. Các khách hàng tiêu biểu khác còn có Paul Mellons; Jacqueline Kennedy Onassis (người mà ông đã trang trí nhà ở Middleburg, Virginia và trên đảo Skorpios của Hy Lạp); Diana Vreeland (có phòng khách “vườn địa ngục” Park Avenue, một trong những sáng tạo táo bạo nhất của ông); gia đình William S. Paleys (có phòng khách trần cao trong khách sạn St. Regis); Salon tóc của Kenneth (một cuộc bạo loạn của màu sắc và hoa văn lấy cảm hứng từ Brighton’s Royal Pavilion); và nhà Câu lạc bộ Round Hill nghiêm trang của Greenwich.

William Williar Baldwin, Jr., sinh năm 1903 trong một gia đình ở Baltimore và lớn lên trong ngôi nhà được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư nổi tiếng ở New York Charles A. Platt, nơi “Tôi được cha mẹ tặng cho sự trải nghiệm tuyệt vời khi được trang trí căn phòng của mình hoàn toàn từ đầu đến cuối, bao gồm cả đồ nội thất.” Sau một thời gian học kiến ​​trúc tại Princeton và miễn cưỡng làm nghề bán bảo hiểm trong cơ quan của cha mình, ông đã có những bước nhảy vọt không thể chối cãi vào lĩnh vực trang trí ở quê nhà. Đến năm 1935, công việc của ông đã lọt vào mắt xanh của nhà trang trí nổi tiếng Ruby Ross Wood, người đã gạ gẫm ông: “Tôi cảm thấy tôi cần một quý ông có khiếu thẩm mỹ và tôi đã tìm thấy người đó trong anh, thật lãng phí nếu ở Baltimore. Chúng ta phải ra khỏi đó nhanh nhất có thể. Rõ ràng là không có việc gì cho anh ở đó. Ngôi nhà [mà anh đã làm] Edith Symington nổi bật như ngọn đèn hiệu trong sự nhàm chán của những ngôi nhà xung quanh nó. Bạn sẽ nhận ba mươi lăm đô la mỗi tuần chứ?” Baldwin chuyển đến New York ngay lập tức. “Tôi đã nổi dậy chống lại Baltimore“, ông nhớ lại, “một thị trấn không thể có nhiều hơn ba hoặc bốn chiếc ghế kiểu Pháp. Ở New York có hàng ngàn ghế Pháp và nhiều chiếc Rolls Royces nên giao thông trông ổn hơn.” Sau cái chết của Wood, vào năm 1950, ông tự mình mở chi nhánh, và ngày càng vượt ra khỏi giới hạn của “sự đơn giản trên mọi phương diện”. Billy Baldwin nghỉ hưu năm 1973 và chuyển về sống tại đảo Nantucket. Gần cuối đời, ông viết:

Cho dù mỹ cảm có thể thay đổi như thế nào, những điều cơ bản của việc trang trí tốt vẫn thế: Chúng ta đang nói về một nơi nào đó mà con người sống, được bao quanh bởi những thứ họ thích và điều đó làm họ thấy thoải mái. Đơn giản là vậy.

M.L.Aronson (Architectural Digest)
Biên dịch: Đức Tùng


Your email address will not be published. Required fields are marked *

By using this form you agree with the storage and handling of your data by this website.