Báo cáo cập nhật thị trường “Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu hết 8 tháng đầu năm 2021” là sản phẩm của Nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends và VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA và BIFA được chia sẻ tại Hội thảo “Chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ cho chiến lược phục hồi ngành công nghiệp Gỗ sang Covid-19” được tổ chức vào ngày 24/9/2021 vừa qua.
Các thông tin chính mà báo cáo chỉ ra, hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,5-6 triệu m3 quy tròn gỗ nguyên liệu là gỗ tròn và gỗ xẻ. Khoảng trên 40-45% lượng nhập khẩu gỗ từ các nước nhiệt đới, chủ yếu là gỗ tự nhiên; 55-60% còn lại là gỗ ôn đới. Trong 8 tháng đầu 2021 lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu đạt khoảng 4 triệu m3 quy tròn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhìn chung lượng cung gỗ nhiệt đới và gỗ ôn đới trong 8 tháng năm 2021 đã tăng lần lượt 23% và 7% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với gỗ nhiệt đới được nhập chủ yếu từ các nước Châu Phi, Papua New Guinea (PNG), Campuchia, Lào và khu vực Nam Mỹ. Nguồn gỗ này được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa. Còn gỗ ôn đới được nhập chủ yếu từ Mỹ, các nước Châu Âu, Canađa, Zealand và Úc. Phần lớn nguồn gỗ ôn đới này được đưa vào chế biến thành các sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Một phần còn lại được sử dụng cho tiêu dùng nội địa.
Trong các nguồn cung gỗ nhiệt đới, lượng cung từ Châu Phi, PNG, Campuchia, Lào và Mỹ La Tinh chiếm 90% tổng lượng cung gỗ nhiệt đới cho Việt Nam mỗi năm. Năm 2020 Việt Nam nhập trên 1,1 triệu m3 gỗ tròn từ nguồn này. Trong 8 tháng đầu 2021 lượng nhập đạt 0,64 triệu m3. Trừ Campuchia và Lào, lượng gỗ tròn nhập khẩu từ các nguồn giảm. Trong 2020, Việt Nam nhập trên 0,83 triệu m3 gỗ xẻ nhiệt đới. Trong 8 tháng đầu 2021 lượng nhập đạt 0,84 triệu m3. Nhìn chung, lượng nhập khẩu tăng. Các loài nhập khẩu chính bao gồm Lim, Gõ, Xoan, Bạch Đàn, Thông, Hương…
Trong các nguồn cung gỗ ôn đới, năm thị trường bao gồm Mỹ, EU, New Zealand, Canada và Úc (5 thị trường) là các nguồn cung quan trọng nhất. Lượng cung từ các quốc gia này chiếm khoảng 40% trong tổng lượng cung gỗ nguyên liệu vào Việt Nam mỗi năm.
Đối với gỗ tròn từ nguồn cung ôn đới, năm 2020 Việt Nam nhập khẩu gần 0,72 triệu m3 từ 5 thị trường này; 8 tháng đầu 2021 lượng nhập đạt 0,65 triệu m3. Lượng nhập trong 8 tháng đầu 2021 từ EU, Mỹ và đặc biệt từ New Zealand giảm, lần lượt ở các mức tương ứng là 24%, 13% và 79% so với cùng kỳ năm 2020. Ngược gỗ tròn nhập từ Úc tăng mạnh, với lượng nhập 8 tháng đầu 2021 đạt 147.000m3, tăng 25 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tần bì, Thông, Sồi, Dương và Óc chó là 5 loài gỗ tròn có lượng nhập lớn nhất.
Còn đối với gỗ xẻ từ nguồn cung ôn đới, năm 2020 lượng nhập từ 5 thị trường đạt 1,1 triệu m2, tương đương với lượng nhập năm 2020. Tám tháng đầu 2021 lượng đạt 0,67 triệu m3, giảm 8% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên trong 8 tháng đầu 2021 lượng nhập từ 5 thị trường có sự biến động khác nhau. Lượng nhập từ EU và Mỹ giảm trong khi lượng nhập từ New Zealand, Úc và Canada tăng. Thông, Dương, Sồi, Trăn và Dẻ gai là các loài gỗ xẻ có lượng nhật lớn nhất.
Về ván nhân tạo, mỗi năm Việt nam nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 các loại ván nhân tạo, chủ yếu là Ván dăm, Ván sợi và Gỗ dán. Năm 2020 lượng nhập 3 loại này đạt 1,78 triệu m3, tăng 12% so với năm 2019. Lượng nhập 8 tháng đầu 2021 đạt 1,4 triệu m3, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 4 năm 2021 đến nay lượng nhập nhìn chung giảm. Trong ba loại ván nêu trên, Ván sợi có lượng nhập lớn nhất, khoảng trên 0,7 triệu m3 mỗi năm, tiếp đến là Gỗ dán (0,6 triệu m3) và Ván dăm (0,4 triệu m3).
Đối với Ván dăm, Thái Lan và Malaysia là các nguồn cung chính, với lượng cung từ Thái Lan đang tăng rất nhanh và vượt xa lượng cung từ Malaysia.
Đối với Ván sợi, Thái Lan và Trung Quốc là nguồn cung chính. Lượng cung từ Trung Quốc đang tăng rất mạnh với lượng cung trong 8 tháng đầu 2021 tăng gần 2 lần so với lượng cung từ nguồn này trong cả năm 2020, cao hơn nhiều so với lượng cung từ Thái Lan – là quốc gia cung mặt hàng này lớn nhất cho Việt Nam trước đó.
Đối với Gỗ dán, lượng cung từ Trung Quốc chiếm gần như toàn tổng lượng cung từ tất cả các nguồn.
Mặc dù chuỗi cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu chịu các tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, quy mô của các tác động này nhỏ hơn tác động đối với chuỗi cung đối với các mặt hàng xuất khẩu.
Trong thời gian khoảng 1 năm tới, luồng cung gỗ ôn đới từ Châu Âu và Mỹ có thể tiếp tục giảm, không chỉ do đại dịch COVID-19 mà còn do lượng cung từ các nguồn này được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa tại chính các thị trường này. Điều này làm cho giá gỗ nhập khẩu từ những nguồn này vào Việt Nam tăng. Tuy nhiên một phần giảm sút các nguồn cung này có thể được thay thế từ New Zealand, Mỹ La Tinh và đặc biệt là từ Úc.
(Nguồn: Gỗ Việt)
NO COMMENT