[VNDW2021] Cà Ràng

Tác giả: Đào Ngọc Phượng

Thiết kế thuộc hạng mục “Thiết kế Đồ nội thất” lọt vào TOP25+5 cuộc thi Designed by Vietnam 2021 chủ đề “Đánh thức Truyền thống*

Nguồn cảm hứng:

Cà ràng – chiếc bếp đại diện của nề văn hóa miền Nam Bộ. Không giống như bếp kiềng ba chân bằng sắt ở miền Bắc hay miền Trung. Bếp cà ràng được làm từ đất nung và nhào nặn thủ công từ bàn tay người thợ lành nghề, với dáng vẻ cứng cáp rắn rỏi, ta có thể thấy hình ảnh chiếc bếp cà ràng trong mọi sinh hoạt nấu ăn, sưởi ấm, giữ lửa trên ghe thuyền của cư dân miền sông nước qua hàng trăm năm nay.

Không những vậy, khi xưa chiếc bếp lò là nơi sinh hoạt chính của các gia đình Việt Nam. Sự sum vầy quanh bếp lửa, những câu chuyện kể, những câu đờn ca tài tử, người ta trao nhau nụ cười, câu hò mà cứ thế lưu truyền.

Có thể nói, bếp cà ràng là nơi hội tụ tinh hoa giữa lưu giữ ẩm thực và văn hóa truyền thống.

Và riêng hình dáng của chiếc bếp cà ràng luôn mang cho tôi cảm giác ấm cúng, dễ chịu và thân thuộc. Những đường nét uyển chuyển, độ cong mềm mại với tỷ lệ thiết kế đẹp mà vẫn có công năng sử dụng đã làm cho tôi hứng thú và luôn muốn quay về với chiếc bếp này.

Vật liệu, kỹ thuật làm giấy truyền thống:

Việt Nam nổi tiếng nghệ thuật làm giấy từ lâu đời như giấy dó, giấy sắc, giấy điệp,..được làm từ các nguyên liệu vỏ cây đặc biệt, cách làm thủ công truyền thống được lưu truyền từ hàng ngàn đời. Hiện nay, giấy dó được đánh giá cao trong thị trường nước ngoài và được rất nhiều bạn bè quốc tế biết đến và yêu thích, có thể làm quà tặng in ấn tranh, giấy viết thư, quà lưu niệm,…

Chỉ khi ta cầm trên tay một tờ giấy dó và đào sâu hơn về loại giấy này, chúng ta mới nhận ra được sự tinh tế của nó và bàn tay người thợ tài hoa đã làm nên chúng. Loại giấy này đặc biệt có độ dẻo và độ bền cao do được làm từ cây dó ngày càng hiếm và phải theo mùa. Chính vì nguồn nguyên liệu ngày càng hiếm do tác động của môi trường cũng như đòi hỏi sự tỉ mỉ chịu khó của người lao động, loại giấy dó đang dần không còn phổ biến và thông dụng như trước.

Đặc biệt, điều khiến tôi thích thú khi nhận thấy về cơ bản, giấy dó sản xuất thủ công ở Việt Nam và không có sự tác động của hóa chất tạo axit trong giấy. Đây là một quá trình khép kín và thân thiện với môi trường.

Quy trình làm giấy dó: Bào sợi vỏ cây dó -> Ngâm nước vôi -> Giã nhuyễn thành bột dó -> Dùng liềm seo chao đi chao lại trong hồ bột dó -> Ép giấy -> Can giấy -> Phơi -> Lột giấy.(1)

Rác thải giấy và rác thải nội thất:

Theo tài liệu thống kê(2) chỉ tính riêng tại Mỹ, khoảng 70 triệu tấn giấy và bìa cứng được sử dụng mỗi năm và khoảng 68 triệu cây bị đốn hạ mỗi năm để sản xuất giấy và bao bì giấy. Sau một vài lần sử dụng, giấy sẽ không còn công năng sử dụng và trở thành rác thải. Một lượng lớn rác thải giấy ước tính chiếm 25% trong các bãi chôn lấp(3). Duy chỉ khoảng 65% rác thải giấy được tái chế và số lượng lớn còn lại vẫn lấp đầy trong trong các bãi chôn lấp và trên đường đi xuống đại dương. Chính vì vậy, nếu không tái chế lượng giấy mà ta sử dụng, chúng đều bị chôn vùi trong các bãi rác chôn lấp, dẫn đến việc lãng phí một lượng tài nguyên khổng lồ mà chúng ta có thể tái sử dụng và cũng như bảo tồn được hàng chục triệu cây xanh khỏi bị đốn hạ hàng năm.

Và cũng như câu chuyện của rác thải giấy, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường mỗi năm ở Mỹ có hơn 12 triệu tấn đồ nội thất và trang trí nhưng chỉ một tỉ lệ nhỏ đồ nội thất được tái chế, đặc biệt các hàng bọc nệm và nệm khó làm sạch và xử lý lại. Dẫn đến hậu quả là xấp xỉ 9 triệu tấn gỗ, kim loại, vải, da thuộc,..trên đường đến các bãi rác chôn lấp mỗi năm(4).

Những số liệu nêu trên làm dấy lên những câu hỏi, những trăn trở cho chính bản thân tôi. Là một nhà thiết kế, có đôi khi tôi bị cuốn vào những guồng xoáy của việc sản xuất công nghiệp hàng loạt, những thiết kế để bắt kịp xu hướng thời đại, mà vô tình bỏ qua một câu chuyện về tương lai, về sau khi đồ nội thất đó không còn phù hợp với người sử dụng nữa, chúng ta sẽ làm gì với những sản phẩm đó tiếp theo?

Khi mà xu hướng mọi người sử dụng đồ nội thất theo concept, theo xu hướng và ngày càng không có nhu cầu sử dụng sản phẩm bền chắc để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì thế, tuổi đời sản phẩm nội thất đó khách hàng không còn nhiều nhu cầu đồ nội thất ấy phải kéo dài trăm năm mới có tiêu hủy hay hư hỏng. Chúng ta sẽ không ngăn được lượng rác thải từ đồ nội thất bởi vì phụ thuộc vào các loại vật liệu khác nhau khi sử dụng, như mút xốp, vải bọc rất khó để làm sạch để tái chế (giá thành) hoặc tái sử dụng. Và khi chúng ta hiện đang sẵn có một nguồn nguyên liệu dồi dào đến từ rác thải giấy, dễ dàng tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy theo năm tháng.

Tôi tự hỏi, tại sao không kết hợp cả hai? Tôi muốn tạo ra một dòng đồ nội thất làm từ rác thải giấy, vừa góp phần giảm lượng rác thải xuống biển và các bãi chôn lấp vừa phù hợp khi những đồ nội thất ấy không còn được sử dụng nữa chúng sẽ được tái chế một lần nữa hoặc tự phân hủy theo thời gian năm tháng. Theo tài liệu tham khảo, giấy có thể được tái chế 6 lần và mỗi lần kích thước những sợi gỗ sẽ nhỏ dần. Đây chính là câu chuyện chính trong bài dự thi của tôi.

Sự chuyển hóa:

Ngoài câu chuyện về vật liệu, tôi muốn mang phong cách thiết kế của bản thân vào trong sản phẩm thiết kế của mình. Nhẹ nhàng, tinh tế trong từng đường nét giản dị. Cũng chuyển tải hình ảnh chiếc bếp đất nung thân thuộc trong gia đình Việt Nam khi xưa trở thành một bộ bàn ghế mini trong không gian sinh hoạt của các gia đình hiện đại ngày nay. Mục đích tôi chuyển thể thành bộ bàn ghế vì theo xu hướng sinh hoạt cũng như đô thị hóa đã làm thay đổi phong cách sống của các gia đình Việt Nam. Họ có xu hướng dành nhiều thời gian ở phòng khách để xem phim, làm việc, trò truyện với nhau hơn là chung quanh bếp lửa và không gian bếp để cùng ăn cơm.

Đồng thời, bộ bàn ghế sẽ được đóng gọn 3 chiếc ghế trong 1 chiếc bàn để tiết kiệm không gian nếu không dùng đến cũng như tiết kiệm chi phí đóng gói.

Tái chế giấy:

Cách tái chế giấy hiện nay không còn là điều mới lạ bất ngờ và hiện tại, trên mạng cũng có rất nhiều tài liệu tham khảo để tôi có thể hiểu hơn, nắm những kiến thức cơ bản và bắt đầu làm thí nghiệm theo con đường riêng cho bản thân.

Dựa trên kỹ thuật nghề làm giấy truyền thống Việt Nam, tôi bắt tay vào làm các cuộc thử nghiệm. Xé nhỏ những giấy báo cũ cũng như bào sợi vỏ cây dó, đun nóng để kích hoạt quá trình rã giấy nhanh hơn.

Nghiền nát giấy để trở thành bột giấy.

Tôi bắt đầu kết hợp với keo, vữa để tạo chất kết dính cho sản phẩm.

Bã cà phê được tôi ưu tiên sử dụng để mang lại màu sắc cho sản phẩm. Bởi vì, theo quan điểm cá nhân tôi, bã cà phê cũng là một nguồn tài nguyên phong phú mà chúng ta không nên lãng phí.

Đồng thời, để sản phẩm có được độ cứng, không gãy tôi cũng nghiên cứu và ưu tiên sử dụng những vật liệu tự nhiên thân thiện với môi trường.

Tôi sử dụng nguyên liệu xơ dừa để giữ kết cấu cho sản phẩm không bị đứt gãy.

Qua quá trình quan sát, kết cấu vật liệu phù hợp cho việc sản xuất sản phẩm theo khuôn, dựa vào hình dáng của khuôn mà đổ theo, sau khi khô sẽ tách khuôn (giống quá trình làm gốm – khi sản phẩm khô sẽ tiến hành tách khuôn).

Cuộc gọi đến từ tương lai:

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG luôn là lý tưởng lớn trong bản thân tôi. Khi mà nhận ra những tinh hoa, những giá trị truyền thống mà ông bà ta đã lưu truyền hàng ngàn năm từ chiếc bếp cà ràng đất nung cho đến kỹ thuật làm giấy của người Việt Nam xưa. Những điều ấy tôi gọi là truyền thống, vì truyền thống gắn liền với thuở sơ khai, với những nguyên vật liệu tự nhiên và những phương pháp thủ công.

Mọi thứ không có điều gì là hữu hạn cũng như những tài nguyên từ Mẹ Trái Đất đã trao cho chúng ta. Và đối với cá nhân tôi, truyền thống như ngọn lửa âm ỉ cháy từ thế hệ này sang thế hệ khác, khắc sâu vào dòng máu da thịt chúng ta. Và chúng ta, những người Việt Nam thế hệ mới, cần làm gì để lưu giữ và đánh thức truyền thống, để lưu truyền cho thế hệ sau này? Đó là khi chúng ta chung tay bảo vệ thiên nhiên – Đó là một ước mơ của tôi cũng như bạn cũng sẽ có một ước mơ cho riêng mình. Và hơn 7 tỉ người trên Trái Đất cũng như chúng ta sẽ có hơn 7 tỉ ước mơ nhưng lại duy chỉ có một người mẹ Trái Đất để nuôi dưỡng và thực hiện những ước mơ ấy. Chính vì vậy với sức trẻ, tôi mong muốn đi tìm một trong số những giải pháp để cùng chung tay giữ gìn vẻ đẹp truyền thống Việt Nam và bảo vệ môi trường.

Tham khảo:
(1): Bật mí về giấy dó và quy trình sản xuất giấy dó – Đăng bởi Thư Pháp Dụng Phẩm
(2): How long does it take for paper to decompose? – Đăng bởi Globe Conscious
(3): Paper is ruining the Environment – Đăng bởi Mr.Rooter
(4): Fast furniture is an environmental fiasco – Đăng bởi newrepublic.com

_____

(*)Cuộc thi Designed by Vietnam 2021 có chủ đề “Đánh thức Truyền thống” (Awakening Traditions) trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – VNDW 2021 được phát động từ ngày 17/7/2021 tại Hà Nội và kéo dài tới hết ngày 03/12/2021 trên phạm vi cả nước. Dưới sự dẫn dắt của các nhà thiết kế có tầm ảnh hưởng trong 05 lĩnh vực Thiết kế Truyền thông (Communication design), Thiết kế Đồ nội thất (Living design), Thiết kế Vật dụng trang trí (Decor & Object design), Thiết kế Trang phục (Clothing design), Thiết kế công cộng (Public design), các thí sinh tham gia sẽ có nhiều cơ hội được kết nối và học hỏi để tạo ra những sản phẩm ứng dụng có giá trị thiết kế cao.

Thiết kế Đồ nội thất (Living design)

Có lẽ chưa bao giờ, trên phạm vi toàn thế giới, quan niệm về không gian sống lại được tái định nghĩa và chiêm nghiệm nhiều đến thế, kể từ thời điểm mà Covid-19 chạm ngõ nhân loại. Thách thức của việc phải từ bỏ tự do đi lại, dẫu chỉ trong thời gian nhất định khiến người ta quan tâm hơn đến việc tối ưu hoá diện tích mà mình sinh hoạt hằng ngày và phối hợp nó với những chức năng/ nhiệm vụ tích hợp và cộng hưởng. Nếp sống ấy tưởng chừng mới mẻ nhưng nếu nhìn về truyền thống tổ chức cuộc sống và lao động của ông cha ta chỉ khoảng hơn 100 năm trước thôi, thì lại rất nhiều điểm tương đồng. Ngôi nhà không chỉ là nơi chở che lưu trú mà còn là địa điểm sản xuất, hội họp, là kho thực phẩm và cũng là nơi thờ phụng thần linh và tổ tiên.

Hiểu về truyền thống một cách thấu đáo, trong mối quan hệ hài hoà với dòng chảy của thời đại chính là bí quyết để bạn có thể “đánh thức” đúng thứ cần thức tỉnh trong kho tàng chất liệu sáng tác, vật liệu truyền thống, kĩ thuật thủ công đồ sộ của dân tộc. Việc làm chủ, nắm vững các yếu tố kĩ thuật và kiên định với một ý tưởng xuyên suốt, một khía cạnh mạnh nhất của thiết kế sẽ đem lại giá trị lấp lánh riêng cho sản phẩm đó.

VNDW2021


RELATED POST

Your email address will not be published. Required fields are marked *

By using this form you agree with the storage and handling of your data by this website.